Datvandon.net – Thủ tướng vừa phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) đến năm 2040 và tầm nhìn 2050. Theo đó, Vân Đồn được định hướng trở thành một vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam.
Vân Đồn được xác định trở thành trung tâm động lực phát triển kinh tế
Theo yêu cầu trong Quy hoạch điều chỉnh trên, Khu kinh tế Vân Đồn sẽ trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á – Thái Bình Dương; trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ; trung tâm kinh doanh thương mại quốc tế của khu vực…
“Phấn đấu xây dựng khu kinh tế Vân Đồn trở thành thành phố hiện đại, thông minh, một nơi hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc và vui chơi hòa hợp với thiên nhiên, đảm bảo môi trường sạch dựa trên nền tảng công nghệ xanh thân thiện với môi trường”, văn bản giao nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch nêu rõ.
Quy hoạch Vân Đồn tầm nhìn 2030 – 2050
Theo dự báo sơ bộ, quy mô dân số của Vân Đồn đến năm 2030 sẽ đạt từ 140.000 đến 200.000 người, đến 2040 là 300.000 đến 500.000 người. Dự báo từ năm 2030 sẽ đón khoảng 2,5 triệu lượt khách và năm 2040 là 6 – 9,5 triệu lượt khách.
Phạm vi lập quy hoạch khoảng 2.171,33 km2 bao gồm diện tích tự nhiên của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, trong đó diện tích đất tự nhiên khoảng 581,83 km2, diện tích vùng biển khoảng 1.589,5 km2.
Về định hướng hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, định hướng quy hoạch phát triển hệ thống công trình hạ tầng kinh tế xã hội bao gồm: công nghiệp, dịch vụ, du lịch, trụ sở làm việc, nhà ở, y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao,… đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của khu kinh tế và vùng lân cận theo các giai đoạn phát triển.
“Định hướng quy hoạch bố trí các khu vực phục vụ sản xuất, nghiên cứu sáng tạo, dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục tại khu vực phía Tây và Bắc đảo Cái Bầu để đáp ứng nhu cầu sử dụng chung của Khu kinh tế và các khu vực lân cận. Bố trí các chức năng dịch vụ hỗ trợ du lịch, tài chính và dịch vụ văn hóa sáng tạo tại khu vực phía Đông đảo Cái Bầu để hỗ trợ phát triển dịch vụ du lịch”, văn bản trên yêu cầu.
Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng chất lượng cao, đảm bảo sự tiếp cận thuận lợi của người dân, du khách và lao động tại Khu kinh tế, phù hợp với đặc điểm biển đảo của Vân Đồn.